BỆNH LÝ TRÀO NGƯỢC HỌNG THANH QUẢN

Thứ sáu - 25/09/2020 07:21
Biểu hiện của bệnh lý trào ngược họng thanh quản thường là lý do đi khám hay phàn nàn của người bệnh với bác sĩ Tai Mũi Họng. Cảm giác vướng, đau vùng cổ và lo lắng có khối u vùng cổ làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và công việc của người bệnh. Mặt khác, sau khi đi khám và điều trị, người bệnh thường không thoải mái và kết quả điều trị bệnh không như mong muốn với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mang lại. Cần tránh bỏ sót các bệnh lý nghiêm trọng: các khối u hay bệnh lý tim mạch nguy hiểm gần với triệu chứng trào ngược giai đoạn đầu.
BỆNH LÝ TRÀO NGƯỢC HỌNG – THANH QUẢN

        Theo tổ chức tiêu hóa thế giới, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản có thể định nghĩa là: Các triệu chứng phiền toái làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một cá nhân hoặc tổn thương hoặc các biến chứng do dịch dạ dày vào thực quản, hầu họng và/ hoặc  đường hô hấp. Lâu dài nó tác động đến hoạt động hàng ngày, năng suất lao động, giấc ngủ và chất lượng cuộc sống.
        Trong  đó, bệnh trào ngược họng - thanh quản là nhóm biểu hiện ngoài thực quản của bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản. Với các biểu hiện cơ năng hay gặp trong chuyên khoa Tai mũi họng:
            - Khàn tiếng, khó phát âm: 60%
            - Nuốt vướng, cảm giác có khối u trong họng:  84%
            - Ho kéo dài, ho sau ăn, khi nằm: 64%
            - Nuốt đau, khó nuốt
            - Nóng rát trước ngực ít gặp 40%
            - Ợ chua 43%
            - Hay hắng giọng, có dịch ở sau họng
            - Một số biểu hiện như: Khô họng, rát họng, hôi miệng…
       Để chẩn đoán bệnh lý trào ngược, ngoài đánh giá các biểu hiện cơ năng của người bệnh như trên, các bác sỹ dựa vào các xét nghiệm như:
               - Nội soi tai mũi họng đánh giá các tổn thương niêm mạc dây thanh, thanh quản như: sung huyết, phù nề, tổ chức hạt, dây thanh giả…
               - Nội soi thực quản – dạ dày loại trừ viêm, loét, u ở lòng thực quản, dạ dày
               - Đo PH thực quản 24 giờ đánh giá mức độ acid ở lòng thực quản
               - Test pepsin trong nước bọt
               - Điều trị thử bằng thuốc ức chế bài tiết acid liều cao cũng là phương pháp hữu ích trong chẩn đoán.
         Các biểu hiện của bệnh lý trào ngược họng – thực quản là đa dạng, không có tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định. Do đó, trong chẩn đoán và điều trị cần  phân biệt với:
               - Bệnh lý viêm loét niêm mạc dạ dày – thực quản.
               - Bệnh lý trào ngược tại thực quản và trào ngược ngoài thực quản biểu hiện ở tai  mũi họng, hô hấp dưới.
               - Tránh bỏ sót các bệnh lý khối u vùng họng thực quản, cũng như u vùng trung thất, vùng cổ chèn ép gây nuốt vướng, nuốt đau.
               - Một số bệnh lý tim mạch: nhồi máu cơ tim, hẹp động mạch vành…
       Điều trị bệnh lý trào ngược họng thanh quản:
       *Nguyên tắc:
               - Thay đổi lối sống và chế độ ăn
               - Dùng kết hợp thuốc giảm tiết acid với bao niêm mạc và tăng co bóp
               - Phẫu thuật khi cần thiết, trong từng trường hợp cụ thể
       *Thời gian điều trị bệnh lý trào ngược kéo dài, tuân thủ điều trị khó đánh giá.  Để đạt được hiệu quả điều trị cùng với các đợt dùng thuốc, thay đổi lối sống và chế độ ăn là rất quan trọng và đảm bảo cho phòng bệnh, tránh tái phát sau điều trị.
                - Chế độ dinh dưỡng: Không ăn trong 3 giờ trước ngủ. Không ăn quá no, ăn nhiều đồ rán, các chất béo. Kiêng trà, cà phê, nước có gas, nước hoa quả chua. Không dùng đồ uống có cồn vào buổi tối. Kiêng đồ ăn có nhiều gia vị cay, chua. Không hút thuốc lá
               - Lối sống: Nằm  đầu cao 12-18 cm so với mặt giường. Không mặc đồ chật, thắt lưng chật. Tránh stress, mất ngủ
          *Điều trị bằng thuốc:
               - Tuân thủ liệu trình điều trị, thời gian điều trị kéo dài 8 tuần, duy trì 6 tháng. Không bỏ thuốc khi điều trị duy trì dễ dẫn tới tái phát.
               - Phối hợp các thuốc: Ức chế bài tiết acid (PPI) là thuốc cơ bản, hàng đầu dùng trước ăn buổi sáng và / hoặc buổi tối trước đi ngủ. Thuốc kháng histamin H2 điều hòa acid, uống buổi tối. Thuốc bao niêm mạc, trung hòa dịch vị. Thuốc hỗ trợ nhu động thực quản, dạ dày.
               - Sử dụng kháng sinh khi cần thiết sau khi khám và xét nghiệm do bác sĩ chỉ định, tránh lạm dụng không cần thiết.
        Tóm lại: Biểu hiện của bệnh lý trào ngược họng thanh quản thường là lý do đi khám hay phàn nàn của người bệnh với bác sĩ Tai Mũi Họng. Cảm giác vướng, đau vùng cổ và lo lắng có khối u vùng cổ làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và công việc của người bệnh. Mặt khác, sau khi đi khám và điều trị, người bệnh thường không thoải mái và kết quả điều trị bệnh không như mong muốn với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mang lại. Cần tránh bỏ sót các bệnh lý nghiêm trọng: các khối u hay bệnh lý tim mạch nguy hiểm gần với triệu chứng trào ngược giai đoạn đầu.




 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây